×

Xu hướng thị trường xuất khẩu nông sản 2022

Khách hàng
Xu hướng thị trường xuất khẩu nông sản 2022

1. Thị trường xuất khẩu nông sản hứa hẹn đột phá trong năm 2022!

Thông tin từ Bộ NN-PTNT, năm 2021, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Trong đó, nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%…

Bắt đầu từ tháng 1, hoạt động xuất khẩu rau quả được các doanh nghiệp duy trì xuyên Tết Nguyên đán cho đến hiện tại, những lô hàng xuất bán đi khắp các thị trường Mỹ, EU, Australia… đã tạo nên kết quả ấn tượng cho ngành này ngay từ đầu năm. Trong tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 301 triệu USD tăng mạnh tới 16% so với con số 260 triệu USD của cùng kỳ năm 2021…

Thị trường xuất khẩu hàng nông nghiệp, trong đó có nông sản đang đón nhận rất nhiều tín hiệu tốt từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Châu Âu,… và thị trường mới tiềm năng như các tiểu vương quốc Ả Rập.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và khảo sát tại thị trường nhiều nước, người tiêu dùng EU, châu Mỹ và người dân châu Á cũng dần biết đến và ưa thích hạt cà phê Việt Nam. Điều này cho thấy cơ hội xuất khẩu của cà phê Việt Nam năm 2022 vẫn rất lạc quan. Bên cạnh đó, các mặt hàng như: trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu.

2. Cơ hội lớn cho thị trường xuất khẩu sang EU với hiệp định EVFTA

Theo Bộ Công Thương, dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid 19, nhưng nhờ tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang các thị trường chủ lực của Việt Nam tại khu vực EU đều có tăng trưởng tích cực hoặc chỉ giảm nhẹ.

Cụ thể: thị trường Đức đạt 641 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020 (chiếm 28,8% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam sang EU); Hà Lan đạt 500 triệu USD, tăng 1,9% (chiếm 22,5%); Italy đạt 285 triệu USD, tăng 3,2% (chiếm 12,8%,); Tây Ban Nha đạt 202 triệu USD, giảm nhẹ 0,6% (chiếm 9%); Pháp đạt 142 triệu USD, tăng 25,2% (chiếm 6,4%) …

Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam (cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè) sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất nước ta, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính.

Hiệp định EVFTA là gì? Hiệp định EVFTA (European-Vietnam Free Trade Agreement) là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. Không chỉ loại bỏ hơn 99% thuế hải quan đối với hàng hóa, hiệp định còn mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam cho các công ty EU và tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam.

Bộ Công Thương dự báo, các mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022.

Trong đó, mặt hàng số 1 là cà phê sẽ tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo EVFTA để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có.

Bên cạnh đó, ưu đãi thuế suất 0% cùng rất nhiều thuận lợi tại thị trường EU, cũng đang giúp thị thường xuất khẩu hạt điều, hạt tiêu và gạo nắm bắt nhiều cơ hội phát triển lớn tại thị trường này trong năm 2022

Trái cây cũng là một trong những sản phẩm tiềm năng Việt Nam cần tập trung khai thác lợi thế từ Hiệp định EVFTA, góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang EU. Nhu cầu về trái cây đang có xu hướng ngày một tăng tại EU do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khỏe từ người dân sống ở đây. Các chủng loại trái cây tiềm năng tăng trưởng tốt tại thị trường EU trong thời gian tới là me tươi, điều, mít, vải, mận, chanh dây, khế, thanh long, ổi, xoài và măng cụt …

3. Tiềm năng từ thị trường mới Ả-Rập-Xê-Út

Ả-rập Xê-út đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường bắt đầu được đánh giá cao và đang có nhu cầu lớn trong thời gian tới. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản.

Theo ông Trần Trọng Kim – Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê Út, Ả Rập Xê Út có nhu cầu rất lớn với mặt hàng nông sản, thực phẩm.

Cụ thể, với mặt hàng gạo, Ả Rập Xê Út nhập khẩu khoảng 1,7 triệu tấn/năm, trong khi Việt Nam mới xuất khẩu khoảng 32.000 tấn, chủ yếu là gạo Jasmine phục vụ cho người châu Á. Một số nhà nhập khẩu Ả Rập Xê Út phải mua gạo Việt Nam qua đối tác Thái Lan, bị đội chi phí nên có xu hướng tìm nhà cung cấp trực tiếp từ Việt Nam.

Mặt hàng củ, quả tươi, Ả Rập Xê Út nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Nam Phi, Australia… và một phần nhỏ từ Việt Nam theo đường hàng không. Tuy nhiên, do công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam chưa cao, khi đưa vào hệ thống tiêu thụ, mẫu mã không đẹp bằng những sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ các thị trường khác. Ngoài ra, các mặt hàng khác như hạt tiêu, nhục đậu khấu, hạt điều, cà phê hòa tan đóng hộp, cà phê chưa rang xay cũng có nhu cầu lớn tại thị trường Ả Rập Xê Út.

Mặc dù Ả Rập Xê Út còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản Việt Nam khai thác, tuy nhiên, một số rào cản đang níu chân doanh nghiệp như.

Chi phí vận tải từ Việt Nam sang Ả Rập Xê Út tăng cao đang là “nút thắt” lớn, theo tính toán, cước vận chuyển là một trong những yếu tố khiến giá gạo Việt Nam tăng thêm 250 USD/tấn và các mặt hàng củ, quả cũng tăng thêm 9,9 USD/kg.

Đồng thời, doanh nghiệp trong nước cần đáp ứng đúng và đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và quy định nhãn mác đóng gói khi xuất khẩu hàng hóa sang Ả Rập Xê Út, do Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Ả Rập Xê Út (SFDA) quy định và ban hành. Lưu ý, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị tước giấy phép kinh doanh, phạt tiền, thậm chí phạt tù, tất cả hàng vi phạm đều bị tiêu hủy…

Hiện nay, Việt Nam chưa có thương hiệu sản phẩm tại Ả Rập Xê Út, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường đều dưới tên thương hiệu khác. Về lâu dài, doanh nghiệp nên cân nhắc, lựa chọn sản phẩm để xây dựng thương hiệu, thăm dò thị trường và tạo nhận diện cho hàng hóa Việt.

4. Xuất khẩu nông sản sang trung quốc gặp khó do ảnh hưởng từ Covid 19

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sụt giảm mạnh trong khoảng thời gian đầu năm 2022. Việc xuất khẩu nông sản sang thị trường này gặp nhiều khó khăn khi hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc liên tục gián đoạn do phía Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Covid”. Đồng thời, Trung quốc cũng ban hành các quy định khắt khe về chất lượng hàng hóa khi nhập khẩu vào nước này.

Chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch

Nhìn sâu hơn vào tình hình hiện tại, thì hàng hóa ách tắc chủ yếu đến từ đường tiểu ngạch, trong khi xuất khẩu chính ngạch vẫn được lưu thông bình thường. Và khi mức kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm không ngừng gia tăng cộng thêm các hạn chế thông quan nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19, thì rõ ràng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp để ngày càng thắt chặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch trong tương lai gần. Trong khi đó, nếu đi đường chính ngạch, có hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Tính đến nay, Việt Nam mới có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Các loại trái cây còn lại chủ yếu xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch, dẫn đến phụ thuộc gần như 100% vào các cửa khẩu phụ, lối mở, trong khi đây là những điểm đang chịu sự kiểm soát dịch Covid-19 chặt chẽ từ phía Trung Quốc, dẫn đến tình trạng thường xuyên bị dừng thông quan.

Ðể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thúc đẩy trao đổi trực tuyến với cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để mở cửa thị trường đối với sầu riêng, khoai lang; đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên của Việt Nam: bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa.

Tuy nhiên, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là câu chuyện đường dài, bởi lẽ để sản phẩm được công nhận từ các cơ quan chức năng có thể sẽ mất nhiều năm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tiến tới ký nghị định thư. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký sản phẩm với hải quan Trung Quốc, trong đó yêu cầu hàng hóa phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc…, cũng như tuân thủ và đảm bảo đúng, đủ các yêu cầu thì mới được mở cửa thị trường chính ngạch. Chính vì vậy, điều này đòi hỏi rất nhiều sự thay đổi nghiêm túc và kiên trì từ nông dân, doanh nghiệp và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Có thể thấy, chặng đường đó còn khá dài nên cần những bước chân nhanh, ngay bây giờ, ngay lúc này để Việt Nam giữ vững và tăng thị phần hàng nông sản ở thị trường Trung Quốc.

Chuẩn hóa sản xuất, gia tăng chế biến

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính. Nếu doanh nghiệp đặt vấn đề sản xuất, xuất khẩu sang Trung Quốc với tiêu chuẩn cao như đi Mỹ, EU, Nhật Bản, kết hợp tăng đầu tư chế biến, chủ động điều tiết lượng hàng xuất khẩu trong thời điểm nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch rộ, thì sẽ giảm thiểu thiệt hại.

“Mấu chốt là nông dân, doanh nghiệp phải quản trị chất lượng từ gốc, đầu tư hệ thống nhà máy chế biến tại nhiều vùng. Nếu làm được, hàng hóa bị ùn tắc trong xuất khẩu có thể lập tức đưa trở lại nhà máy chế biến”, ông Toản nói.

Theo phân tích của ông Toản, thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung xuất khẩu các sản phẩm hoa quả tươi, chưa chú trọng đưa các sản phẩm này vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ.

Khâu chế biến quan trọng còn bởi đặc điểm của Việt Nam là nước có nhiều loại rau, củ, quả nhiệt đới, đa dạng về chủng loại. Ông Toản khẳng định, để gia tăng lợi nhuận một cách bền vững, chỉ có duy nhất con đường xuất khẩu chính ngạch. Về phía người sản xuất, thì mấu chốt là nguyên vật liệu đầu vào phải đạt chuẩn.

Trên đây, là một vài thông tin mà GOGOX đã tổng hợp được về xu hướng thị trường xuất khẩu nông sản trong năm 2022. Hi vọng, bạn sẽ có được thông tin hữu ích để tìm cho doanh nghiệp mình các cơ hội phát triển mới trong năm nay. Chúc bạn mã đáo thành công.

Theo nguồn: Báo nhân dân, Vnexpress, Vietnamnet, Báo Đầu Tư, Báo Nông Nghiệp, Báo Đồng Nai, TPT An Giang